• Thứ sáu , 19/4/2024 | 21:24 GMT +7
timkiem
×
Phát triển bền vững cây cà phê nhờ tái canh.
12/3/2015 | 1:34 PM GTM+7

Tái canh cây cà phê là giải pháp được khuyến khích nhằm đưa giống mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó giúp cải thiện được năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Năm 2015, diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam tăng nhẹ. Sản xuất cà phê bền vững cùng xu hướng tái canh tiếp tục tăng. Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, xuất khẩu 10 tháng năm 2015 giảm 29,3% về lượng và giảm 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

tai%20canh%20ca%20phe%20viet%20nam.jpg

tái canh cà phê việt nam

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc nâng cao năng suất và chất lượng cà phê Việt Nam trong thời gian tới là rất quan trọng. Một trong những giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng tới là khuyến khích người dân đẩy mạnh tái canh cây cà phê.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng tái canh cây cà phê, nhằm đưa giống mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó giúp cải thiện được năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, việc tái canh cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, các địa phương đều đã lập ban chỉ đạo tái canh cà phê cấp tỉnh.

Trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến tại 5 tỉnh Tây Nguyên, diện tích cà phê tái canh đạt gần 61.200 ha. Trong đó, nổi bật là tỉnh Lâm Đồng với hơn 33.400 ha được tái canh, Đắk Lắk hơn 15.657 ha. Theo kế hoạch từ nay tới năm 2020, bốn tỉnh trọng điểm trồng cà phê gồm Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai sẽ tái canh thêm khoảng gần 70.000 ha.

Tuy nhiên, ông Đức cho biết, hiện nay việc xác định diện tích cà phê cần tái canh chi tiết cho từng vùng còn hạn chế. Nguồn vốn cho tái canh lớn, rủi ro cao, người nông dân không thể thực hiện tái canh hết diện tích và chờ 5-6 năm mới thu hoạch lại.

Trong khi đó, ông Võ Văn Chân, Trưởng Ban Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, vốn đầu tư cho tái canh cà phê trên 150 triệu đồng/ha trong 3 năm đầu. Trong khi đó, tài sản trên đất của nông dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, gây khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp.

Ông Chân cũng cho biết, trong 10 tháng năm 2015, Agribank đã giải ngân 731 tỉ đồng cho 6.021 khách hàng, phục vụ cho nhu cầu tái canh khoảng 8.337 ha, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng. Ông Chân chia sẻ, thành công trong việc đẩy mạnh tái canh cà phê ở Lâm Đồng là sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức hội để cùng điều tra, khảo sát, quy hoạch các diện tích cây cà phê cần tái canh.

Lãnh đạo UBND, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp đi các địa bàn để đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ trực tiếp khó khăn. Ngoài ra, các xã đã thực hiện xác nhận diện tích cần tái canh để hỗ trợ ngân hàng trong các thủ tục cho vay.

Tuy nhiên, ông Chân cũng cho rằng NHNN cần nghiên cứu nâng mức cho vay tối đa đối với trồng tái canh cà phê lên 200 triệu đồng/ha và nâng thời hạn cho vay lên 10 năm.

Ngoài ra, Hiệp hội Cà phê-Ca cao, Ban điều phối ngành hàng cà phê cần đứng ra làm đầu mối yêu cầu, hướng dẫn các thành viên ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp để người trồng cà phê yên tâm sản xuất.

 

theo chinhphu.vn