• Thứ 7 , 11/5/2024 | 10:29 GMT +7
timkiem
×
Thẻ ngân hàng Mỹ trang bị thêm lá chắn bảo mật
10/5/2015 | 11:54 AM GTM+7

Là từ viết tắt của EuroPay, MasterCard và Visa, chip EMV tự động tạo mã sử dụng một lần cho mỗi giao dịch, khiến việc ăn cắp số thẻ trở nên khó khăn. Đây là công nghệ đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam), song tại Mỹ, ngày 1/10 vừa qua mới là thời điểm công nghệ này được áp dụng mang tính bắt buộc đối với các điểm thanh toán.

Trước đó, phần lớn khách hàng sử dụng thẻ tín dụng tại Mỹ đã được các nhà băng tiến hành đổi thẻ mới, trang bị chip EMV. Những trường hợp còn lại sẽ được chuyển đổi vào cuối năm.

Theo Cnet, với các cửa hàng, siêu thị, điểm chấp nhận thẻ... trên khắp nước Mỹ, giới chuyên môn cho rằng không phải tất cả các trường hợp đều có thể đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi thiết bị đọc thẻ mới từ đầu thàng 10 này. Những đơn vị chưa có thiết bị đọc thẻ EMV sẽ phải có biện pháp đảm bảo ngăn ngừa thẻ giả. Tương tự, các ATM và trạm xăng sẽ phải đối mặt với yêu cầu nêu trên vào năm 2017.

cnet-7951-1443945309.jpg

Các cửa hàng tại Mỹ phải hoàn thành khâu chuẩn bị để đọc loại thẻ gắn chip EMV từ tháng 10 này. Ảnh: Cnet

Các hãng thanh toán thẻ đưa ra quy định về chuẩn EMV sau vụ tội phạm mạng ăn cắp thông tin của 40 triệu thẻ tín dụng và ghi nợ từ hệ thống thanh toán của Target trong mùa nghỉ lễ năm 2013. Hiện nay, các ngân hàng phát hành thẻ rất dễ bị dính vào cáo buộc gian lận.

Thông thường, hacker có 2 cách để trộm thông tin thẻ. Chúng có thể sử dụng ngăn đút thẻ để đọc vạch tại các cột ATM hay trạm xăng. Cách còn lại là xâm nhập vào hệ thống thông tin của cửa hàng, như cách đã làm với Target, Home Depot, Neiman Marcus… để sao chép số thẻ. Thông tin này được sử dụng để làm thẻ giả. Hai phần ba số giao dịch gian lận được thực hiện với thẻ giả, theo Stephanie Ericksen - Phó chủ tịch Visa. Một phần ba còn lại được thực hiện bởi thẻ thật bị lấy cắp.

Đây là lý do mà chip EMV ra đời, giúp gửi mã dùng một lần đã được mã hóa cho từng giao dịch, gây khó cho việc đọc và sao chép mã thẻ của hacker. Dù mới được tung ra ở Mỹ, công nghệ đằng sau nó thì đã có từ lâu. Châu Âu bắt đầu sử dụng thẻ chip nhúng từ năm 2005. Hệ thống thanh toán của Apple và Android cũng đang hoạt động dựa trên nguyên lý tương tự. Tại Việt Nam, ngay từ năm 2010, một số ngân hàng đã bắt đầu cung cấp thẻ có chip EMV và hiện là công nghệ khá phổ biến với thẻ tín dụng.

Tại Mỹ, dù thời hạn để chuyển sang hệ thống thanh toán mới cho các cửa hàng đã đến, rất nhiều người tiêu dùng vẫn không hay biết tới loại thẻ mới này. Trong một khảo sát hồi tháng tám của Công ty thanh toán điện tử ACI Worldwide, 59% người tiêu dùng cho biết họ vẫn chưa nhận được thẻ EMV. Chỉ một phần ba biết Mỹ đang chuyển dần sang sử dụng loại thẻ này. Trong khi đó, theo báo cáo mới đưa ra hồi giữa tháng chín của Công ty tư vấn Strawhecker, chỉ 27% người bán đang chuẩn bị cho công nghệ đọc thẻ mới.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng này có thể là do giá của thiết bị đọc thẻ mới khá cao. Người bán phải cân nhắc chi phí cho hệ thống thanh toán mới và đào tạo nhân viên sử dụng nó để phòng ngừa gian lận. Người tiêu dùng cũng sẽ phải học cách thích nghi với hệ thống mới này.

“Ban đầu chắc chắn sẽ gặp phải một vài bất tiện”, TJ Horan - Phó chủ tịch FICO nhận định. Theo vị này, dù an ninh mạng đang dần được tăng cường, giới chuyên môn không hy vọng các vụ lừa đảo gian lận sẽ biến mất hẳn. Việc này tương tự như việc bóp một quả bóng nước: "Nếu bạn chặn được gian lận ở khâu này, nó sẽ đơn giản là chuyển qua một khâu khác".