• Chủ nhật , 8/9/2024 | 7:38 GMT +7
timkiem
×
Hội nghị Á – ÂU (ASEM) - The Asia-Europe Meeting (ASEM)
6/27/2024 | 1:36 PM GTM+7

ASEM (Hội nghị Á – Âu) (ASEM – Asia Europe Summit Meeting) là diễn đàn đối thoại và hợp tác không chính thức, được sáng lập vào năm 1996. 

Thành viên ban đầu bao gồm 15 nước Liên minh Châu Âu (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Phần Lan, Đức, Áo, Hy Lạp, Aixơlen, Italia, Hà Lan, Lúcxămbua, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh) và 7 nước ASEAN (Brunây, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), ba nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Uỷ ban Châu Âu. Do việc mở rộng Liên minh châu Âu vào tháng 5 năm 2004, hội nghị thượng đỉnh ASEM được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8 - 9 tháng 10 năm 2004 đã kết nạp thêm 10 nước thành viên EU mới cùng với 3 nước thành viên Asean (Campuchia, Lào và Myanmar). Ngày nay, ASEM bao gồm 53 Đối tác: 30 nước Châu Âu và 21 nước Châu Á, Liên minh Châu Âu và Ban Thư ký ASEAN.

ASEM_53%20đối%20tác.jpg

Hoàn cảnh ra đời của ASEM

Tháng 3 năm 1996, Hội nghị các nguyên thủ quốc gia về Hợp tác Á- Âu (Asia - Europe Summit Meeting - ASEM) lần đầu tiên được tổ chức tại Bangkok Thái Lan với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia 15 nước thuộc Liên minh Châu Âu, mười nước Châu Á (bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và bảy nước ASEAN là Brunây, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). Sau Hội nghị Thượng đỉnh này, Hợp tác Á – Âu đã chính thức ra đời và lấy tên của Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên (ASEM) làm tên cho chương trình hợp tác này.

Hiện nay ASEM là một diễn đàn hợp tác, cơ chế phối hợp thông qua các nước điều phối viên và chưa có Ban Thư ký điều hành. Các nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thảo luận hướng phát triển của ASEM trong thời gian tới và có nhiều khả năng ASEM sẽ được nâng lên thành một tổ chức kinh tế khu vực để giải quyết vấn đề tự do hoá thương mại, đầu tư giữa Châu Á và Châu Âu.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá nền kinh tế thế giới hiện nay, Hợp tác Á - Âu có ý nghĩa hết sức to lớn, các nước Châu Âu thành viên ASEM đã trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng với việc hình thành Liên minh tiền tệ Châu Âu (EMU) và việc sử dụng đồng tiền chung EURO vào tháng 1 năm 1999. Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa cả về chiều rộng và chiều sâu. Song song với EU, vai trò của Châu Á ngày càng được củng cố trong hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế với tiềm năng to lớn về cơ hội thương mại và đầu tư. Sự liên kết giữa hai khối kinh tế lớn này thông qua ASEM sẽ tạo một động lực mới thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai châu lục phát triển, tạo nên một sức mạnh tổng hợp của ba khôí kinh tế lớn là EU, Nhật Bản và các nước Châu Á đang phát triển. Ngoài ra, trong bối cảnh Mỹ và các nước Bắc Mỹ đã xây dựng và đang phát triển mạnh mẽ mọi quan hệ kinh tế với các nước Châu Á trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Châu Âu đã có liên hệ chặt chẽ với Bắc Mỹ qua quá trình lịch sử và mạng lưới dày đặc của những thể chế xuyên Ðại Tây Dương, ASEM còn có một ý nghĩa mang tính chất chiến lược, đó là cái cầu nối thắt chặt hơn châu Âu với châu Á, tạo đối trọng trong quan hệ giữa các trung tâm kinh tế lớn là EU - Mỹ - Nhật Bản và các nước châu Á đang phát triển.

 

 ASEM_3%20TRỤ%20CỘT.jpg

Mục tiêu hoạt động:

Mục tiêu chủ đạo của Hợp tác Á - Âu hiện nay (được thông qua tại Hội nghị ASEM I) là Hợp tác để tạo sự tăng trưởng hơn nữa ở cả châu Á và châu Âu. Mục tiêu này đã được cụ thể hoá ở khuôn khổ hợp tác Á - Âu (AECF) thành các mục tiêu cơ bản sau:

  • Thúc đẩy đối thoại chính trị để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và thống nhất quan điềm của hai châu lục đối với các vấn đề chính trị và xã hội của thế giới;
  • Xây dựng quan hệ đối tác một cách toàn diện và sâu rộng giữa hai châu lục Á, Âu để thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên.
  • Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, môi trường, phát triển nguồn nhân lực: để tạo sự tăng trưởng bền vững ở cả châu Á và châu Âu.

 

“Các mục tiêu trên đã và đang được thực hiện thông qua một loạt các chương trình hành động của ASEM như Chương trình thuận lợi hoá thương mại (TFAP), Chương trình xúc tiến dầu tư (IPAP), Trung tâm công nghệ môi trường Á - Âu, Quỹ Á - Âu (ASEF), Quỹ tín thác…”

 

Về mặt kinh tế, ASEM đặt ra ba mục tiêu cụ thể là:

  • Thúc đẩy giao lưu giữa các doanh nghiệp;
  • Cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư; và
  • Tạo sự tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

Như vậy, trong lĩnh vực kinh tế, tuy ASEM chưa đề ra các mục tiêu về giảm thuế và các nghĩa vụ mang tính chất bắt buộc như các tổ chức ASEAN, WTO, song ba mục tiêu cụ thể nêu trên đã tạo nền tảng cho việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai châu lục, góp phần tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại, đầu tư và đóng vai trò như một chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai khu vực.

Nguyên tắc hoạt động:

Theo khuôn khổ hợp tác Á- Âu thông qua tại ASEM II ở Anh tháng 04 năm 1998 và khuôn khổ hợp tác Á - Âu 2000 thông qua tại ASEM III ở Hàn Quốc tháng 10 năm 2000, mục đích của ASEM là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á -Âu vì sự phát triển mạnh mẽ hơn" trong thế kỷ XXI. ASEM tiến hành hoạt động theo những nguyên tắc sau:

- Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi;

 - ASEM là một quá trình mở, tiệm tiến, không chính thức nên không nhất thiết thể chế hóa;

- Tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua một tiến trình đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho các hoạt động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau;

- Triển khai đồng đều ở cả ba lĩnh vực hợp tác chủ yếu là tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác;

- Việc mở rộng thành viên cần phải được thực hiện với sự nhất trí chung của các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.

Cơ chế hoạt động của ASEM

Bản chất của ASEM là một diễn đàn đối thoại, hoạt động bổ trợ cho các tổ chức hoặc diễn đàn đa phương khác (ví dụ như xúc tiến đối thoại giữa các thành viên ASEM về các vấn đề của Liên hợp quốc UN, Tổ chức thương mại thế giới WTO, các vấn đề nổi cộm của kinh tế thương mại toàn cầu và khu vực, .v.v, nhằm đạt được sự đồng thuận và quan điểm chung của các thành viên ASEM trong các diễn đàn nêu trên). Ngoài ra, hoạt động của ASEM cũng có đặc trưng là hoạt động đối thoại cấp cao, theo đó mọi vấn đề cơ bản của ASEM sẽ được thảo luận và thông qua tại Hội nghị cấp cao (Hội nghị Thượng đỉnh). Các hội nghị cấp thấp hơn sẽ thực hiện hoặc điều phối thực hiện các quyết định mà các nguyên thủ quốc gia đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh.

Với đặc điểm nêu trên, hoạt động của ASEM hiện nay chưa được thể chế hoá. Các hoạt động hợp tác được tổ chức thông qua hai nước điều phối viên Châu Á và hai nước điều phôi viên Châu Âu với nhiệm kỳ hai năm (hiện tại Thái Lan và Hàn Quốc là các điều phối viên phía châu Á; nước Chủ tịch và Uỷ viên của Cộng đồng Châu Âu là điều phối viên phía châu Âu). Các nước điều phối viên nhóm họp khi cần thiết (thông thường 2 - 3 lần mỗi năm) thông qua các nhóm công tác chuyên về từng lĩnh vực chính trị hoặc kinh tế. Cơ quan điều phối ASEM tại mỗi nước là Bộ Ngoại giao. Có thể khi hoạt động đi vào chiều sâu, ASEM sẽ được cơ cấu lại với các ban và nhóm công tác hoàn chỉnh.

 

Kênh hội nghị chính của ASEM bao gồm:

Hội nghị Thượng đỉnh (ASEM): Ðược tổ chức hai năm một lần để bàn về các vấn đề chiến lược của ASEM và phê chuẩn các chương trình hợp tác;

Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (Asia-Europe Parliamentary Partnership Meeting - ASEP): Là diễn đàn đối thoại liên nghị viện nằm trong khuôn khổ tiến trình Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM);

Hội nghị cấp Bộ trưởng: Họp hai năm một lần.

a. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (FMM): Chịu trách nhiệm xử lý, theo dõi các vấn đề về chính trị và xã hội, điều phối công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEM thông qua Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM).

b. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế (EMM). Là diễn đàn để theo dõi việc thực hiện các hoạt động hợp tác kinh tế Á - Âu xem xét và có thể thông qua những đề xuất hợp tác mới, trực tiếp báo cáo các vấn đề kinh tế lên Hội nghị Thượng đỉnh ASEM

c. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính: Thảo luận các vấn đề về tài chính trong khu vực, xây đựng các chương trình hợp tác về quản lý tài chính, chống rửa tiền.

d. Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (S&TMM): Thảo luận và thông qua các chương trình hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Hội nghị quan chức cấp cao;

a. Hội nghị Thứ trưởng Tài chính

b. Hội nghị quan chức cấp cao ngoại giao (SOM): Nhiệm vụ chính của SOM là bàn luận các vấn đề về đôi thoại chính trị, hợp tác văn hóa, xã hội của ASEM, xây dựng các chương trình hành động trong các lĩnh vực trên để báo cáo các Bộ trưởng Ngoại giao.

c. Hội nghị các quan chức cấp cao thương mại và đầu tư (SOMTI) là nơi tiếp nhận, xử lý các vấn đề về hợp tác kinh tế được triển khai thực hiện ở các nhóm chuyên môn và các ngành kinh tế khác, trên cơ sở đó tổng hợp và có báo cáo, khuyến nghị lên EMM.

d. Hội nghị các Tổng cục trưởng hải quan: Họp hai năm một lần và báo cáo kết qủa lên SOMTI. Hội nghị này chủ yếu đi sâu về các vấn đề hợp tác hải quan, đơn
giản hoá và hài hoà hoá thủ tục Hải quan và chống buôn lậu chống rửa tiền và buôn bán ma tuý.

Các nhóm công tác ở cấp chuyên viên: Nhằm giải quyết những vấn đề kỹ thuật cụ thể của các chương trình của ASEM. Hiện nay ASEM đang có các nhóm công tác sau:

 - Các nhóm công tác hoạt động theo khuôn khổ của TFAP như Nhóm về tiêu chuẩn chất lượng thủ tục hải quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR), SPS, mua sắm của chính phủ v.v.;

- Nhóm chuyên gia về đầu tư (IEG) hoạt động trong khuôn khổ IPAP;

Các hoạt động chủ yếu khác

Một số cơ quan hoặc chương trình hoạt động đã được thiết lập theo quyết định của các nguyên thủ quốc gia nhằm tăng cường hiểu biết, hợp tác và giao lưu giữa doanh nhân hai khu vực. Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu.

  • Quỹ Á - Âu (ASEF): Là một quỹ tài trợ phải lợi nhuận đặt tại Xingapo nhằm xúc tiến giao lưu Á - Âu trong các lĩnh vực văn hoá - xã hội. Ðược thiết lập năm 1997 từ các nguồn đóng góp tự nguyện của các nước thành viên ASEM, ASEF đã tổ chức được một số lượng đáng kể các hội thảo và hội nghị chuyên đề trong các lĩnh vực này. Tổng đóng góp vào quỹ khoảng 25 triệu USD.
  • Trung tâm công nghệ môi trường Á - Âu (AEETC): thành lập năm 1999, đặt tại Bangkok Thái Lan với nhiệm vụ xúc tiến Hợp tác Á - Âu trong một số vấn đề
    thiết yếu về môi trường Ngân sách hoạt động của Trung tâm khoảng 6 triệu USD do các nước thành viên đóng góp.
  • Quỹ tín thác ASEM (ATF): Do World Bank quản lý nhằm cung cấp tài chính cho các chương trình trợ giúp kỹ thuật và đào tạo về các lĩnh vực xã hội và tài chính cho các nước châu Á bị tác động bởi khủng hoảng tài - chính tiền tệ được thành lập năm 1998 và hoạt động trong hai năm, Quỹ đã thu hút được 42 triệu EURO vốn đóng góp từ các thành viên. Hiện Việt Nam được tài trợ ba chương trình từ nguồn vốn của Quỹ là cải cách và phát triển hệ thống ngân hàng, vào việc làm và chương trình mạng lưới an toàn, xã hội "Ðẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá và thương mại hoá các doanh nghiệp quốc doanh trong ngành vận tải."
  • Diễn đàn doanh nghiệp ASEM (AEBF): Được tổ chức hàng năm để tập hợp các doanh nghiệp có tầm cỡ trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, du lịch, xúc tiến thương mại và đầu tư. Mục đích của Diễn đàn là bàn về phương hướng xây dựng chiến lược doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên và tổng hợp ý kiến đề xuất lên Hội nghị Thượng đỉnh ASEM.